top of page

BÀI 7 : CÔNG-VỤ CÁC SỨ ĐỒ

Hung Tran

May 25, 2023

Sách Công-vụ bắt đầu nơi Phúc-âm Lu-ca kết thúc, với sự hoàn tất mạng lệnh của Chúa Giê-xu cho các môn đồ là ra đi làm chứng...



BÀI 7: CÔNG-VỤ CÁC SỨ ĐỒ



Tác giả: Lu-ca, tác giả của Phúc-âm thứ ba.

Niên Đại: giữa thập niên 60.

Chủ Đề: Đức Thánh Linh của Đức Chúa Trời truyền bá Phúc Âm.

Câu gốc: Công-vụ 1:8 “Nhưng khi Ðức Thánh Linh giáng trên các ngươi, thì các ngươi sẽ nhận lấy quyền phép, và làm chứng về Ta tại thành Giê-ru-sa-lem, cả xứ Giu-đê, xứ Sa-ma-ri, cho đến cùng trái đất.”

Bố Cục:

I. Sự phát triển Phúc-âm giữa vòng dân Do-thái (1:1-12:25)

II. Sự phát triển Phúc-âm giữa vòng dân ngoại (13:1-28:31)


* Tầm Quan Trọng của sách Công-vụ: Đây là sách lịch sử duy nhất trong Thánh Kinh Tân Ước.

* Đặc Điểm của sách Công-vụ:

1. Sự truyền bá Phúc-âm từ Giê-ru-sa-lem đến Rô-ma.

2. Trình bày khởi đầu và phát triển của Hội thánh được Thánh Linh dẫn dắt.

3. Làm nổi bật công tác của Phao-lô.

4. Bảo vệ Cơ-đốc nhân trước những cáo buộc sai trật.


I. DẪN NHẬP

1. Tầm Quan Trọng của sách Công-vụ:

- Sách Công-vụ bắt đầu nơi Phúc-âm Lu-ca kết thúc, với sự hoàn tất mạng lệnh của Chúa Giê-xu cho các môn đồ là ra đi làm chứng (Lu-ca 24:48, Công-vụ 1:7-8). Sự thăng thiên của Chúa Giê-xu là sự kiện cuối cùng trong Phúc-âm Lu-ca và cũng được ghi lại khi bắt đầu sách Công-vụ.

- Sách Công-vụ bày tỏ sức mạnh của Đấng Christ thăng thiên trong việc ban năng quyền cho hội thánh ra đi làm chứng. Sách cũng ghi lại sự đầy dẫy Đức Thánh Linh, việc rao giảng Phúc-âm và kết quả của việc giảng dạy của các sứ đồ.

- Công-vụ giới thiệu một hội thánh nhạy bén với sự lãnh đạo của Đức Thánh Linh và sự phát triển của Phúc-âm từ Giê-ru-sa-lem đến Rô-ma.

2. Tác giả các nhà lãnh đạo hội thánh đầu tiên đồng ý rằng Lu-ca là tác giả của Công-vụ, mặc dù sách không đề cập tên tác giả.

- Thứ nhất, tác giả Công-vụ và Phúc-âm là một. Cả hai sách đều gửi cho cùng một người tên là Thê-ô-phi-lơ, có nghĩa là “bạn hữu của Đức Chúa Trời”.

- Thứ Hai, tác giả của sách Công-vụ là người đồng hành với Phao-lô. Có ba chỗ trong Công-vụ dùng đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất là “chúng ta” (Công-vụ 16:10-17; 20:5-21:18; 27:1-28:16). Lu-ca là người phù hợp với từ “chúng ta” ở ba chỗ này. Lu-ca là người ở với Phao-lô khi ông ở tù tại La-mã (Côl. 4:14).

- Thứ Ba, Lu-ca không phải là một nhân vật nổi trội trong Thánh Kinh Tân Ước, vì thế không có lý do gì mà các tác giả thời xưa lại thừa nhận ông là tác giả sách Công-vụ nếu ông không phải là người viết. Lu-ca là một thầy thuốc.

3. Niên Đại:

- Phao-lô trải qua ít nhất hai năm bị giam tại La-mã. Lời kết thúc trong Công 28:30-31 này được viết ra cho thấy Phao-lô vẫn còn chờ xét xử. Sách cũng không đề cập đến Chiến Tranh Do-thái và sự sụp đổ Giê-ru-sa-lem năm 70 SC.

- Thời gian Phao-lô ở tù tại La-mã là năm 61-63 SC. Lu-ca cũng cần vài năm để thu thập tài liệu nên có thể sách được viết ra giữa thập niên 60.

- Lu-ca trình bày chính xác những sự kiện, những số liệu và những nhân vật trong Công-vụ, còn trong Phúc-âm Lu-ca ông đưa ra trình tự thông tin theo thời gian.


II. BẮT ĐẦU CÔNG-VỤ

1. Mục Đích của Sách:

- Công vụ 1:1 cho biết mục đích Lu-ca viết Phúc-âm Lu-ca là để bày tỏ điều Chúa Giê-xu khởi sự làm và rao giảng. Điều đó hàm ý mục đích của Công-vụ là bày tỏ điều Chúa tiếp tục làm qua hội thánh sau khi Ngài thăng thiên.

- Lu-ca cho thấy sự phát triển của Hội thánh dưới sự lãnh đạo của Đức Thánh Linh. Vì vậy, sách Công-vụ các Sứ Đồ thực ra là “Công Vụ của Đức Thánh Linh”.

- Tiến trình phát triển của Phúc-âm:

- Sự thăng thiên của Đấng Christ.

- Sự đổ đầy Thánh Linh trong ngày lễ Ngũ Tuần.

- Sự rao giảng của Phi-e-rơ cho dân ngoại.

- Các hành trình truyền giáo của Phao-lô.

- Truyền bá Phúc-âm đến Rô-ma.

- Lu-ca không trình bày công cuộc truyền bá Phúc-âm xuyên suốt châu Phi qua châu Á nhưng là hành trình từ cái nôi Do-thái giáo tại Giê-ru-sa-lem đến thành phố cai trị của Đế Quốc La-mã.

- Lu-ca nhấn mạnh những thành tựu vĩ đại của sứ đồ Phao-lô.

2. Chủ Đề: Thánh Linh của Đức Chúa Trời truyền bá Phúc-âm.

- Sách Công-vụ được chia thành hai phần riêng biệt. Từ đoạn 1 đến 12 làm chứng của Hội thánh chủ yếu trong văn hóa Do-thái. Từ đoạn 13 đến 28 chủ yếu là trong văn hóa dân ngoại.

3. Sự thăng thiên của Chúa Giê-xu (1:9-11):

- Sự thăng thiên của Chúa Giê-xu đánh dấu sự kết thúc việc Chúa Giê-xu xuất hiện sau phục sanh và bắt đầu chức vụ tế lễ thiên thượng của Ngài.

- Sự thăng thiên diễn ra khi các môn đồ đang tập trung tại núi Ô-li-ve (1:12). Mây bao phủ xung quanh Chúa tượng trưng sự hiện diện vinh hiển của Đức Chúa Trời và sự chứng nhận của Ngài về công việc của Chúa Giê-xu. Hai người nam chính là những thiên sứ.


III. BAN NĂNG QUYỀN CHO HỘI THÁNH

1. Ngày Lễ Ngũ Tuần (2:1-13):

- Ngày lễ Ngũ Tuần là sự ứng nghiệm lời hứa của Chúa Giê-xu rằng Đức Thánh Linh sẽ đến trên họ và ngự ở trong họ (Giăng 14:17).

- Đức Chúa Trời dùng cả âm thanh và dấu hiệu trong ngày lễ Ngũ Tuần. Âm thanh giống như tiếng gió thổi (2:2) còn dấu hiệu giống như lửa. Từ “thánh linh” trong tiếng Hy-lạp pneuma tùy theo bối cảnh có thể chỉ về gió và về thánh linh. Sự “đầy dẫy” Thánh Linh cho thấy người tin Chúa có thể tiếp nhận Thánh Linh đến mức tối đa. Nói “tiếng nước khác” được nhận biết bởi những người nghe bằng chính ngôn ngữ của họ (2:8). Điều này cho thấy việc nói tiếng nước khác là nói loại ngôn ngữ được những người trong nhóm biết đến (2:9-11).

- Đám đông có lẽ tập trung lại bởi sự kết hợp của tiếng gió và tiếng nói của các môn đồ. Phép lạ nói ngôn ngữ khác mà mọi người biết đến đã gây ấn tượng cho người nghe.

2. Bài giảng của Phi-e-rơ (2:14-39):

- Bài giảng của Phi-e-rơ có bốn yếu tố. Thứ nhất, ông muốn chứng tỏ rằng ông và các môn đệ không say rượu như lời vu cáo của nhiều người. Thứ hai, ông giải thích về sự ồn ào, dấu hiệu và việc nói tiếng khác là sự ứng nghiệm lời tiên tri trong Giô-ên 2:28-32. Thứ ba, ông muốn trình bày về đời sống, sự chết và sự sống lại của Chúa Giê-xu là đỉnh điểm của công việc thánh vì sự cứu rỗi chúng ta. Và cuối cùng Phi-e-rơ kết luận với lời kêu gọi người nghe rằng lời hứa về món quà Đức Thánh Linh sẽ được ban cho ai bày tỏ lòng ăn năn và đức tin bằng phép báp-têm.


IV. SINH HOẠT CỦA HỘI THÁNH ĐẦU TIÊN

1. Đặc điểm của hội thánh thuộc linh (2:41-47):

- Giáo lý, mối thông công và cầu nguyện: giáo lý quan trọng vì cung cấp thông tin về Đấng Christ. Tinh thần thông công nhanh chóng kết nối ba ngàn người ăn năn tin Chúa trong ngày lễ Ngũ Tuần lại với nhau (2:41) và sự cầu nguyện của hội thánh đầu tiên gồm cả ngợi khen và cầu thay nhiệt thành.

- Lòng kính sợ, sự hiệp nhất và niềm vui: các Cơ-đốc nhân sống với nhau trong tinh thần kính sợ và họ trông đợi Đức Chúa Trời bày tỏ chính Ngài theo cách siêu nhiên và qua phép lạ. Hội thánh có sự hiệp nhất và lòng yêu thương khiến các thành viên chia sẻ những điều tốt nhất của họ cho những người có cần. Cơ-đốc nhân vui vẻ, hết lòng ngợi khen Chúa.

2. Hội Thánh cầu nguyện (4:23-31):

- Lu-ca đã cho thấy ba kết quả diệu kỳ của sự cầu nguyện (4:31).

- Trước hết, căn phòng rúng động.

- Thứ hai, các môn đồ đầy dẫy hay bị chiếm hữu bởi Đức Thánh Linh.

- Thứ ba, năng quyền của Thánh Linh khiến họ nói cách dạn dĩ.

3. Những vấn đề của thế kỷ đầu tiên (5-6):

- Vấn đề tội lỗi trong Hội thánh: Sa-tan tấn công hội thánh bằng cách tiếp cận kép: sự bách hại từ bên ngoài và sự gian dối, chia rẽ ngay bên trong. Sự việc của A-na-nia và Sa-phi-ra (5:1-11) không chỉ là chuyện về lòng tham và ích kỷ mà quan trọng hơn đó là sự giả hình giữa vòng các tín hữu sẽ gây ra nhiều nguy hại cho hội thánh.

- Tội của họ gồm cả tội đồng phạm và cá nhân (câu 2). Đức Chúa Trời đã xử lý việc này trực tiếp và ngay lập tức. Phương cách của Đức Chúa Trời dường như là quá quyết liệt theo tiêu chuẩn ngày nay nhưng điều đó cho thấy Đức Chúa Trời xem tội này là nghiêm trọng thế nào trong hội thánh.

- Hội thánh đầu tiên cũng cảm nhận rằng việc chăm sóc những nhu cầu thuộc thể cho các góa phụ trong hội thánh là một trách nhiệm quan trọng.

- Lập bảy vị phó tế: Các sứ đồ không thể thi hành chức vụ cách hiệu quả bởi số lượng công việc quá tải đối với họ. Nên họ lập ra bảy người có khả năng và thuộc linh tốt thực hiện công việc chăm sóc tín hữu, còn các sứ đồ tập trung cho sự cầu nguyện, giảng đạo và dạy đạo.

- Lời Đức Chúa Trời được gia tăng: Khi các sứ đồ có thể tập trung vào chức vụ cầu nguyện và giảng đạo thì lời Chúa càng gia tăng và số lượng tín hữu tăng nhanh chóng. Ngay cả các thầy tế lễ người Do-thái cũng đầu phục Đấng Christ.


V. LÀM CHỨNG CHO CHÚA GIÊ-XU

1. Làm chứng qua sự tuận đạo (6:8-7:60):

- Chức vụ của Ê-tiên rất được ơn mặc dù đời sống ông ngắn ngủi. Tính cách của ông không chê trách được và sự làm chứng về Đấng Christ là một gương sáng chói. Mặc dù ông giảng đạo đầy năng quyền và bài giảng của ông được ghi lại trong Kinh Thánh dài hơn bài giảng của Phi-e-rơ tại lễ Ngũ Tuần nhưng Kinh Thánh ghi lại kết quả từ chức vụ của ông rất ít.

2. Làm chứng từng người một (8:26-40):

- Phi-líp đang giảng đạo tại thành Sa-ma-ri thì Đức Chúa Trời chỉ ông đi đến đường dẫn tới Ga-xa. Đây thực ra không phải là con đường vắng vẻ mà là con đường chính ở phía nam dẫn đến Ê-díp-tô và là một trong những con đường có nhiều người đi lại nhất.

- Phi-líp đã gặp một quan tướng cao cấp của nước Ê-thi-ô-bi đã đến Giê-ru-sa-lem để thờ phượng Chúa. Phi-líp đã “rao giảng Đức Chúa Giê-xu cho người”.

- Vị quan này đã bày tỏ đức tin bằng cách xin được báp-têm.


VI. SỰ QUY ĐẠO CỦA PHAO-LÔ (Công 9:1-30)

1. Sau-lơ người Pha-ri-si:

- Phao-lô là tên Do-thái của Sau-lơ. Ông được sinh ra ở Tạt-sơ, một thành phố tự trị thuộc Đế Quốc La-mã, nên ông là một công dân La-mã. Ông học nhiều ngôn ngữ và trở thành người cuồng nhiệt tôn giáo, tự tin về sự công bình của chính mình.

2. Sau-lơ trở thành Sứ Đồ Phao-lô:

- Sau khi chịu báp-têm, chúng ta có chứng cớ về việc Phao-lô quy đạo trong Công 9:20-25. Ông đã lập tức rao giảng về Đấng Christ tại nhà hội Đa-mách. Trong thời gian này Phaolô đã ở A-ra-bi-a và Đa-mách để học biết từ Đức Chúa Trời về chức vụ của ông sau này (Gal. 1:15-19).


VII. PHÚC ÂM ĐƯỢC GIẢNG CHO DÂN NGOẠI (Công 10:1-48)

1. Đức Chúa Trời Chuẩn Bị Tấm Lòng của Dân Ngoại:

- Sự quy đạo của Cọt-nây là thời điểm Đức Chúa Trời hướng dẫn tín hữu Do-thái rao giảng Tin Lành cho dân ngoại. Vượt qua những rào cản để đi đến với dân ngoại đòi hỏi sự điều hướng và dẫn dắt chỉ đến từ Đức Chúa Trời mà thôi.

2. Đức Chúa Trời chuẩn bị một diễn giả có thành kiến:

- Đức Chúa Trời cho Phi-e-rơ một khải tượng để chuẩn bị cho ông tiếp nhận một người ngoại là Cọt-nây. Phi-e-rơ không được chuẩn bị thi hành mục vụ trực tiếp cho dân ngoại nên Chúa đã cho ông khải tượng này để khắc phục sự miễn cưỡng của ông.

- Ngay ban trưa, Phi-e-rơ thấy khải tượng là những thú bốn chân, bò sát và chim trời. Đó là hỗn hợp những con thú tinh sạch và không tinh sạch. Phi-e-rơ không muốn thực hiện mạng lệnh của Chúa là “làm thịt và ăn”, nhưng Đức Chúa Trời lập lại khải tượng đó ba lần để khắc sâu trong tâm trí ông. Điều này nhằm để phá bỏ rào cản mà Phi-e-rơ đã có với dân ngoại.

- Đã dự định trước cuộc gặp gỡ với Phi-e-rơ nên Cọt-nây đã tập trung bạn bè và người thân tại nhà. Phi-e-rơ đến để gặp hái kết quả mà Đức Chúa Trời đã chuẩn bị sẵn.


VIII. SỰ ĐÁP ỨNG CỦA DÂN NGOẠI GIA TĂNG

1. Hành trình truyền giáo thứ nhất của Phao-lô (13-14) Tham khảo bản đồ Kinh Thánh số 7.

- Chính Đức Chúa Trời đã chỉ định cho Phao-lô và Ba-na-ba bắt đầu hành trình truyền giáo thứ nhất. Họ đi đến đảo Chíp-rơ và sau đó đến vùng đất liền Tiểu Á, họ đã giảng đạo cho các thành Bẹt-giê, An-ti-ốt xứ Bi-si-đi, Y-cô-ni, Lít-trơ, và Đẹt-bơ. Ông hoàn tất cuộc hành trình bằng cách quay trở lại An-ti-ốt. Có nhiều sự kiện nổi bật đã diễn ra trong hành trình này.

- Tại Bẹt-giê Giăng Mác là người giúp đỡ cho Phao-lô và Ba-na-ba đã bỏ đi và trở về Giê-ru-sa-lem. Lu-ca không giải thích lý do tại sao Mác bỏ cuộc nhưng Phao-lô xem việc bỏ đi này là một vấn đề nghiêm trọng nên đã từ chối dẫn Mác theo trong hành trình truyền giáo thứ hai (15:36-41).

- Tại An-ti-ốt xứ Bi-si-đi Phao-lô đã cố gắng hết sức để đến với dân ngoại. Ông bắt đầu rao giảng Phúc-âm cho cả những người không có liên hệ đến nhà hội.

- Tại Y-cô-ni Phao-lô theo nguyên tắc trước tiên đến nhà hội để giảng cho người Do-thái là những người có nền tảng dễ dàng hiểu biết Phúc-âm. Khi người Do-thái chống đối sứ điệp của ông thì ông mới đi đến dân ngoại.

2. Giáo hội nghị Giê-ru-sa-lem (15:1-29):

- Chính sách rao giảng trực tiếp cho dân ngoại của Phao-lô gây nhiều chống đối giữa vòng người Pha-ri-si tin Chúa tại Giê-ru-sa-lem.

- Các Cơ-đốc nhân Do-thái đòi hỏi dân ngoại cần phải có phép cắt bì và giữ nếp sống Do-thái thì mới được cứu. Hội nghị được tổ chức để bàn luận về vấn đề này.

- Phi-e-rơ dựa trên trường hợp của Cọt-nây kêu gọi mọi người đừng thêm gánh nặng về luật Môi-se cho dân ngoại. Còn Phao-lô và Ba-na-ba tường trình về việc truyền giáo của họ giữa vòng dân ngoại. Cả hội nghị trông cậy vào Gia-cơ, em Chúa Giê-xu, là vị lãnh đạo hội thánh về quyết định cuối cùng (15:13-21).

- Gia-cơ là người nổi tiếng tin kính và có sự dung hòa hơn các tín hữu Do-thái nên đã đưa ra quyết định cuối cùng dựa trên A-mốt 9:11-12 để chứng minh rằng người ngoại tin Chúa không cần phải theo luật pháp Môi-se. Tuy vậy, họ cần tôn trọng những luật định đạo đức của Do-thái như tránh tội tà dâm, tránh ăn những thức ăn đã cúng cho thần tượng, những thú vật chết ngạt, và cả huyết.

- Có ba kết quả quan trọng tại Giáo Hội Nghị Giê-ru-sa-lem. Thứ nhất, phép cắt bì và vâng theo luật pháp Môi-se là không cần thiết cho sự cứu rỗi. Thứ hai, người ngoại theo Cơ-đốc nên tránh một số thông lệ vì lợi ích của mối quan hệ Do-thái_người ngoại trong vòng hội thánh. Thứ ba, hội thánh gìn giữ sự hiệp nhất để lời chứng có hiệu quả.


IX. TRUYỀN BÁ PHÚC-ÂM TRONG NHỮNG VÙNG DÂN NGOẠI

1. Hành Trình Truyền Giáo Thứ Hai Của Phao-lô.

(Tham khảo bản đồ Kinh Thánh số 7) (15:36- 18:22).

- Phao-lô bắt đầu hành trình truyền giáo thứ hai với Si-la, họ đi đến các thành ở Tiểu Á là nơi ông đã viếng thăm trong hành trình thứ nhất.

- Phao-lô đi đường vòng đến Trô-ách thuộc xứ My-si là nơi ông nhận được sự kêu gọi vượt biển để đi đến giảng đạo cho vùng Ma-xê-đoan. Từ đó, Phao-lô đã mang Tin Lành đến châu Âu và trải qua các thành như Phi-líp, Tê-sa-lô-ni-ca, Bê-rê, và A-then để rao giảng Phúc Âm. Ông cũng ở Cô-rinh-tô 18 tháng và sau đó đi đến Ê-phê-sô trong thời gian ngắn rồi hướng đến An-ti-ốt là nơi ông kết thúc hành trình thứ hai.

- Tại Cô-rinh-tô, Đức Chúa Trời đã hiện ra với Phao-lô để đảm bảo rằng ông luôn được an toàn dù có nhiều khó khan. Ông cũng được sự ưu ái của quan trấn thủ Ga-li-ôn khi từ chối gọi ông là người phá luật và bác bỏ những lời phàn nàn chống nghịch của người Do-thái đối với ông. Phao-lô cũng đã gặp Bê-rít-sin và A-qui-la, những người bạn đã khích lệ và hỗ trợ ông nhiều.

2. Hành Trình Truyền Giáo Thứ Ba

(Tham khảo bản đồ Kinh Thánh số 8) (18:23-21:16).

- Phao-lô đã gặp sự chống đối lớn ở Ê-phê-sô. Đê-mê-triu, người đứng đầu hội thợ bạc miếu thờ thần Đi-anh đã kêu gọi dân chúng chống lại sự giảng dạy của Phao-lô nhưng Đức Chúa Trời đã giải cứu ông khỏi sự hãm hại này.

- Sau khi viếng thăm một vài nơi, Phao-lô trở về Giê-ru-sa-lem. Tại đó ông bị bắt. Ông bị bỏ tù ở Sê-sa-rê hai năm trước khi đi đến Rô-ma và trình diện trước Sê-sa.

- Trong hành trình truyền giáo này Phao-lô đã viết thư I Cô-rinh-tô trong thời gian ở Ê-phê-sô 3 năm. Sau đó ông viết thư thứ 2 ở Ma-xê-đoan. Trong lúc ở Cô-rinh-tô ba tháng ông đã viết thư Rô-ma. Ba năm ở Ê-phê-sô đã đem đến kết quả là Phúc Âm được truyền bá khắp tỉnh A-si (19:10).


X. NHỮNG NĂM CUỐI CỦA PHAO-LÔ

1. Không bị thuyết phục (26:28):

- Phao-lô đã đối diện trực tiếp vua Ạc-ríp-ba để làm chứng Phúc-âm cho ông. Không có bằng chứng gì cho thấy Ạc-ríp-ba tin Chúa hay không. Tuy nhiên, việc trung tín chia sẻ Phúc-âm cho người khác sẽ đem những người hư mất trở về với Chúa Giê-xu.

2. Cuộc hành trình đường biển đến Rô-ma (27:1-44):

- Sau khi Phao-lô yêu cầu cho gặp Sê-sa thì Phê-tu đã gửi ông cho một thầy đội Rô-ma quản thúc từ Sê-sa-rê theo đường biển thẳng đến I-ta-li. Trên đường đi, tàu gặp bão ở biển Địa Trung Hải. Khi mọi hành khách trên tàu đều mất hy vọng sống sót qua cơ bão thì Đức Chúa Trời cho Phao-lô một khải tượng để bảo toàn cả tàu và hành khách trên đó. Cuối cùng chiếc tàu cặp được vào một hòn đảo nhưng bị vỡ do sóng đánh. Tất cả mọi người trên tàu đều sống sót.

- Con tàu dừng lại ở đảo Man-tơ. Phao-lô ở lại đảo suốt mùa thu và mùa đông. Đức Chúa Trời đã dùng ông để chữa lành cho nhiều người trên đảo (28:7-10).

3. Phao-lô tại Rô-ma (28:17-31):

- Khi đến Rô-ma, Phao-lô đã không để phí thời gian mà liên lạc ngay với người Do-thái ở trong thành. Ba ngày sau khi đến, ông đã triệu tập các trưởng lão và giải thích ước ao muốn nói thêm về việc ứng nghiệm niềm hy vọng về Đấng Mê-si-a của dân Y-sơ-ra-ên trong Chúa Giê-xu.


ÔN TẬP:

Để ôn lại phần này hãy trả lời những câu hỏi sau. Có thể ghi câu trả lời ở một quyển tập khác.

1. Viết chủ đề của sách Công-vụ.

2. Hai điểm chính trong bố cục của sách Công-vụ là gì?

3. Ai là vị lãnh đạo Cơ-đốc nổi bật nhất trong sách Công-vụ?

4. Điều gì xảy ra trong ngày lễ Ngũ Tuần đầu tiên sau khi Chúa Giê-xu thăng thiên?

5. Phi-e-rơ làm gì để bày tỏ năng lực lãnh đạo của mình giữa vòng các tín hữu đầu tiên?

6. Liệt kê các đặc điểm của hội thánh đầu tiên.

7. Mô tả hai trường hợp Chúa dùng các Cơ-đốc nhân đầu tiên để làm chứng.

8. Mô tả về sự quy đạo của Phao-lô và những năm đầu là một Cơ-đốc nhân.

9. Tin Lành đầu tiên được giảng ra cho dân ngoại khi nào? Ai là người ngoại đầu tiên tin Chúa?

10. Mô tả ngắn gọn 3 hành trình truyền giáo của Phao-lô và xác định người đồng hành với ông trong mỗi chuyến truyền giáo.

11. Phao-lô thường rao giảng Đấng Christ ở đâu trong thành mà ông đến?

12. Tại sao Giáo Hội Nghị Giê-ru-sa-lem quan trọng với chúng ta ngày nay?

13.Điều gì đã kết thúc chức vụ công khai của Phao-lô, và làm cách nào ông đến được Rô-ma?



bottom of page