top of page
Hung Tran
May 23, 2023
Phao-lô cũng đưa ra luận cứ thần học cho thấy sự thất bại thuộc linh của chủ nghĩa luật pháp muốn dẫn con người đến sự cứu rỗi...
BÀI 9: CÁC THƯ TÍN CỦA PHAO-LÔ (Phần II)
THƯ TÍN CỦA PHAO LÔ GỞI CHO NGƯỜI GA-LA-TI
1. Độc giả, niên đại và cơ hội viết thư.
- Ga-la-ti ban đầu là khu vực trung tâm Tiểu Á nơi những người Celtic sinh sống, còn gọi là Bắc Ga-la-ti. Năm 25 SC, La-mã đã mở rộng khu vực này ra vùng đất mới đến phía Nam của Tiểu Á. Ga-la-ti “chính trị” bao gồm cả An-ti-ốt Bi-si-đi, Y-cô-ni, Lít-trơ, và Đẹt-bơ. Vì thế, có thể thư tín này Phao-lô viết cho khu vực rộng lớn của Tiểu Á bao gồm cả các tỉnh phía Nam.
- Niên đại tùy thuộc vào độc giả mà Phao-lô gửi đến. Nếu theo thuyết Bắc Ga-la-ti thì niên đại vào giữa hoặc cuối thập niên 50 (55-57 SC) còn theo thuyết Nam Ga-la-ti thì có lẽ Phao-lô viết khi ở An-ti-ốt xứ Sy-ri vào năm 49 hoặc 50 SC.
- Phao-lô nhận được tin những người Giu-đa đã truyền dạy giáo lý sai trật cho các hội thánh Ga-la-ti nên ông viết thư này nhằm kêu gọi các bạn Cơ-đốc của ông hãy trở lại với ân điển của Đấng Christ.
2. Tổng quan và nội dung của sách Ga-la-ti.
- Chủ đề: Phao-lô bảo vệ Phúc-âm Ân Điển
- Câu gốc: Ga-la-ti 5:1. “Ðấng Christ đã buông tha chúng ta cho được tự do; vậy hãy đứng vững, chớ lại để mình dưới ách tôi mọi nữa.”
I. Luận cứ cá nhân của Phao-lô về Ân Điển (1:1-2:14).
II. Luận cứ thần học của Phao-lô về Ân Điển (2:15-4:31).
III. Luận cứ thực tiễn của Phao-lô về Ân Điển (5:1-6:18).
- Trong lời chào thăm Phao-lô bảo vệ Phúc-âm của Đức Chúa Trời về ân điển tự do và điều ông rao giảng là sự khải thị từ Đức Chúa Trời.
- Phao-lô cũng đưa ra luận cứ thần học cho thấy sự thất bại thuộc linh của chủ nghĩa luật pháp muốn dẫn con người đến sự cứu rỗi (2:15-4:31). Ông khẳng định rằng sự xưng công bình đến bởi đức tin trong Đấng Christ chứ không phải bởi việc làm của luật pháp. Mục đích của luật pháp là chuẩn bị những người nhận lấy Phúc-âm mà thôi.
- Chương 5-6 là nếp sống tự do của Cơ-đốc nhân: Ông trình bày ảnh hưởng tích cực của nếp sống theo tiêu chuẩn tự do Cơ-đốc. Sự nên thánh thật sẽ chiến thắng đố kỵ và xung đột, bày tỏ lòng thương xót và cảm thông đối với những ai phạm tội, ban cho rộng rời và gặt hái những ích lợi của đời sống trong Thánh Linh.
II. DẪN NHẬP VÀO CÁC THƯ TÍN TRONG TÙ VÀ SÁCH Ê-PHÊ-SÔ
Chúng ta gọi sách Ê-phê-sô, Phi-líp, Cô-lô-se và Phi-lê-môn là Thư Tín trong tù vì Phao-lô viết các thư này khi ông ở trong tù.
1. Niên đại các Thư Tín Trong Tù:
- Hầu hết các học giả đều cho rằng lần trong tù đầu tiên của Phao-lô tại Rô-ma vào khoảng đầu thập niên 60 cả ba thư Ê-phê-sô, Cô-lô-se, và Phi-lê-môn đều không đề cập đến việc ông được ra tù, còn thư Phi-líp có chứng cớ cho thấy Phao-lô biết trước sẽ được thả để gặp các bạn hữu ở Phi-líp (Phi. 1:24-26; 2:24). Vì vậy thư Phi-líp được viết gần với thời gian ông được thả ra khỏi lần tù đày thứ nhất còn 3 thư kia vào khoảng năm 61 hoặc 62 SC.
2. Dẫn nhập thư Ê-phê-sô.
- Thành Ê-phê-sô nằm ở bờ biển tây mà nay là Thổ nhĩ kỳ thuộc châu Á. Đây là thành phố cảng với trung tâm xuất nhập khẩu rộng lớn và số dân cư trú khoảng gần 300 ngàn người. Tại đây cũng có một đền thờ nữ thần Đi-anh to lớn và là trung tâm thờ cúng các hoàng đế La-mã.
- Phao-lô đến Ê-phê-sô lần đầu tiên sau khi ông rời khỏi Cô-rinh-tô vào gần cuối hành trình truyền giáo lần hai, đó là khoảng năm 51-52 SC. Trong hành trình truyền giáo thứ ba ông trở lại đó và ở khoảng hai đến ba năm và ông đã giảng dạy đầy năng quyền nên thu hút được nhiều người đến nghe Phúc-âm. Trong cuối hành trình truyền giáo thứ ba ông kêu gọi các trưởng lão trong hội thánh đến gặp nhau tại Mi-lê, lần đó ông bày tỏ mối quan tâm và tình yêu thương với hội thánh (Công 20:17-38).
3. Tổng quan và nội dung thư Ê-phê-sô.
- Chủ đề: Chúng ta là người kế tự ơn phước Đức Chúa Trời
- Câu gốc: Ê-phê-sô 4:4-7. “Chỉ có một thân thể, một Thánh Linh, như anh em bởi chức phận mình đã được gọi đến một sự trông cậy mà thôi; chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép báp-tem; chỉ có một Ðức Chúa Trời và một Cha của mọi người, Ngài là trên cả mọi người, giữa mọi người và ở trong mọi người. Nhưng, đã ban ân điển cho mỗi một người trong chúng ta theo lượng sự ban cho của Ðấng Christ.”
I. Đức Chúa Trời ban ơn cho chúng ta trong Đấng Christ (1:1-3:21).
II. Đức Chúa Trời đòi hỏi chúng ta sống cho Đấng Christ (4:1-6:24).
III. Luận cứ thực tiễn của Phao-lô về Ân Điển (5:1-6:18).
- Liệt kê những phước hạnh thuộc linh tác động đến mỗi người trong mối liên hệ với Đức Chúa Trời, đó là: sự lựa chọn của Đức Chúa Trời dành cho mỗi tín hữu, sự cứu chuộc trong Đức Chúa Giê-xu Christ, sự khải thị ý muốn Đức Chúa Trời, và sự ban cho Đức Thánh Linh. Lời cầu nguyện cho các Cơ-đốc nhân có một sự hiểu biết đầy trọn về những nguồn phước hạnh vô tận dành cho họ.
- Phát họa một xã hội mới mà Đức Chúa Trời tạo dựng bởi việc mở rộng phước hạnh của Ngài cho cả người Giu-đa lẫn dân ngoại. Qua Phúc-âm Đức Chúa Trời đã khiến cho dân ngoại cũng có phần về lời hứa của Ngài trong Đấng Christ.
- Từ chương 4 đến chương 6 Phao-lô kêu gọi sự đáp ứng thực tiễn với những phước hạnh mà ông đã trình bày trong ba chương đầu. Đó là các tín hữu bước đi cách mới mẽ trong chức vụ của họ tại hội thánh, bày tỏ sự hiệp một, sử dụng ân tứ thuộc linh đúng cách và trưởng thành trong Đấng Christ.
- Đời sống mới cũng tác động đến gia đình Cơ-đốc trong mối quan hệ giữa chồng và vợ, cha mẹ và con cái, đầy tớ và chủ. Bên cạnh đó, Cơ-đốc nhân vẫn còn đối diện với kẻ thù nguy hiểm vì thế họ cần trang bị vũ khí thuộc linh đó là sự công bình, đức tin và cầu nguyện hầu cho có thể chống lại cám dỗ của Sa-tan.
III. THƯ CỦA PHAO LÔ GỞI CHO PHI-LÍP
1. Hội thánh Phi-líp.
- Phi-líp là một thành phố của tỉnh Ma-xê-đoan và là thuộc địa của La-mã. Đã có một cộng đồng người Do-thái ở đó trước khi Phao-lô đến. Việc thành lập hội thánh ở Phi-líp được ghi lại trong Công vụ 16:12-40 và người đầu tiên đặt đức tin là những người nữ dân ngoại như Ly-đi.
2. Niên đại, Cơ Hội và Mục Đích.
- Phao-lô viết thư này khi ông vẫn còn trong tù ở La-mã năm 62 hoặc 63.
- Hội thánh Phi-líp đã nhiều lần hỗ trợ Phao-lô và gần đây cũng đã gửi quà cho ông qua Ép-ba-phô-đích nên Phao-lô đã nhờ ông chuyển thư cảm ơn này cho họ.
- Ngoài ra Phao-lô cũng căn dặn đề phòng sự phân rẽ trong hội thánh và Do-thái giáo và ông cũng hy vọng sẽ đến thăm hội thánh Phi-líp nữa.
3. Tổng quan và nội dung của thư Phi-líp:
- Chủ đề: Lời của Đức Chúa Trời đối với một hội thánh lành mạnh.
- Câu gốc: Phi-líp 4:4. “Hãy vui mừng trong Chúa luôn luôn. Tôi lại nói nữa: hãy vui mừng đi.”
I. Lời khen ngợi và lời khuyên của Phao-lô (1-2).
II. Lời cảnh báo của Phao-lô (3-4).
A. Đối với Do-thái giáo (3:1-21).
B. Đối với sự bất hiệp nhất (4:1-18).
- Việc ở tù của ông tác động đến các Cơ-đốc nhân và khích lệ họ can đảm trong sự làm chứng và cứ đặt lòng tin cậy nơi Đức Chúa Trời.
- Kêu gọi các tín hữu hãy vững vàng hầu cho không bị bối rối bởi thái độ và hành động của kẻ chống đối. Ông cũng trình bày gương mẫu của Đấng Christ để khích lệ họ phát triển mối quan hệ với nhau giống như thế.
- Hãy tập trung vào việc phát triển sự hiểu biết về Chúa Giê-xu và xem mọi điều khác là vô nghĩa. Hãy bắt chước gương mẫu của chính ông chứ không phải của những người theo luật pháp.
- Vấn đề bất hòa trong hội thánh và kêu gọi sự hiệp một, ông chia sẻ toa thuốc chữa bệnh lo lắng của chính mình và lòng biết ơn về sự rộng rãi của họ.
- Nói chung, sắc giọng vui mừng trong bức thư thể hiện một đời sống tự do trong Đấng Christ của Phao-lô mặc dù ông đang trong cảnh tù đày.
IV. THƯ TÍN CỦA PHAO-LÔ GỞI CHO CÔ-LÔ-SE VÀ PHI-LÊ-MÔN
1. Hội thánh tại Cô-lô-se:
- Chúng ta không có nhiều thông tin về thành phố này. Có thể Phao-lô đến đây rao giảng trong khi ông ở Ê-phê-sô (Công 19:10). Theo Cô-lô-se 1:7; 4:12 có thể Ê-pháp-ra là người thành lập hội thánh. Phi-lê-môn và người nô lệ tên Ô-nê-sim là những tín hữu trong hội thánh (Phi-lê-môn 2, 10-11, Côl. 4:9).
2. Niên đại, Cơ hội và Mục đích.
- Phao-lô viết thư này khi ông đang ở tù tại La-mã.
- Có hai mục đích trong việc viết thư này khi ông nghe tin từ Ê-pháp-ra (1:7).
. Thứ nhất, tại Cô-lô-se có tà thuyết hạ thấp thân vị Đấng Christ nhưng nhấn mạnh đến triết lý suy đoán của con người và có chứa đựng vài yếu tố của Do-thái giáo. Phao-lô đã nhấn mạnh đến sự vượt trội của Đấng Christ và trình bày bản chất thật cũng như công tác của Ngài.
. Thứ hai, nhấn mạnh đến việc ứng dụng quyền năng của Đấng Christ trong đời sống hằng ngà và trải nghiệm sự biến đổi trong mối quan hệ với nhau
3. Tổng quan và nội dung của thư tín Cô-lô-se
Câu gốc: Cô-lô-se 2:9-10. “Vì sự đầy dẫy của bản tánh Ðức Chúa Trời thảy đều ở trong Ðấng ấy như có hình. Anh em lại nhờ Ngài mà có được đầy dẫy mọi sự, vì Ngài là đầu của mọi quyền cai trị và mọi thế lực.”
I. Đấng Christ là Đầu Tiên trong Ngôi Vị của Ngài (1:1-2:23).
II. Đấng Christ phải là Đầu Tiên trong Phẩm Chất của chúng ta (3:1-4:18).
- Thân vị và công tác của Đấng Christ: Đấng Christ trổi hơn trong cuộc sáng tạo, sự cứu chuộc và trong hội thánh. Ngài sống trong mỗi người và ban niềm trông cậy về sự vinh hiển. Ngài là tất cả sự khôn ngoan và nhận biết về Cha.
- Đấng Christ là câu trả lời cho sự dạy dỗ sai trật làm khuấy động hội thánh. Bởi vì tất cả bản chất của Đức Chúa Trời và điều Ngài có đều ở trong Đấng Christ nên người tin Ngài không phụ thuộc vào những triết lý hư không của con người.
- Trong phần thứ hai lời kêu gọi độc giả có mối thông công với Đấng Christ, là điều sẽ thay đổi phẩm hạnh Cơ-đốc nhân và khắc phục được những nan đề trong hội thánh.
- Các tín hữu có đời sống mới trong sự liên hiệp với Chúa Giê-xu Christ hãy làm chết những hành động gian ác và vô đạo đức; thay vào đó tìm kiếm sự tha thứ, khiêm nhường, thương xót và tử tế. Đời sống mới trong Đấng Christ cũng sẽ ảnh hưởng đến gia đình, trong mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình.
4. Những nhân vật trong thư Phi-lê-môn:
- Phi-lê-môn cư trú ở Cô-lô-se và đã trở thành Cơ-đốc nhân qua chức vụ của Phao-lô. Còn Ô-nê-sim, có nghĩa là có thể sinh lợi, đã chạy trốn chủ là Phi-lê-môn vì đã lấy một số tiền hoặc tài sản gì đó của chủ mình. Khi Ô-nê-sim tin Chúa thì Phao-lô thuyết phục ông quay lại với chủ mình. Đây là bức thư của Phao-lô gửi cho Phi-lê-môn mà Ô-nê-sim mang về.
5. Niên Đại, Nơi Chốn và Ý Nghĩa của Thư Tín này.
- Phi-lê-môn là một trong những thư tín trong tù của Phao-lô khi ông bị giam giữ ở Rô-ma (61-62 SC) và cũng là bức thư gần gũi, riêng tư nhất của Phao-lô trong số những bức thư gửi cho cá nhân.
- Thư này liên quan đến vấn đề đang được tranh cãi trong thời của Phao-lô, đó là tình trạng nô lệ. Phao-lô dạy rằng nô lệ phải tôn trọng chủ mình. Trong thư ông kêu gọi sự đáp ứng tự nguyện của Phi-lê-môn chứ không ra lệnh ông phải thả Ô-nê-sim nhưng quyết định là tùy thuộc vào Phi-lê-môn. Ông nhắc nhở Phi-lê-môn về mối quan hệ anh em trong Đấng Christ giữa Ô-nê-sim và Phi-lê-môn, do đó Phi-lê-môn không thể nào ngược đãi Ô-nê-sim. Điều này góp phần kết thúc tình trạng nô lệ.
6. Tổng Quan và Nội Dung của thư Phi-lê-môn
- Chủ đề: Giá Trị của Con Người Câu gốc: Phi-lê-môn 15-16. “Vả, có lẽ người (Ônêsim) đã tạm xa cách anh, cốt để anh nhận lấy người mãi mãi, không coi như tôi mọi nữa, nhưng coi hơn tôi mọi, coi như anh em yêu dấu, nhứt là yêu dấu cho tôi, huống chi cho anh, cả về phần xác, cả về phần trong Chúa nữa.”
I. Giá Trị của Chúng Ta trong Đấng Christ (1-11).
II. Quyết Định của Chúng Ta là Tự Nguyện (12-25).
- Tầm quan trọng của Phi-lê-môn trong hội thánh Cô-lô-se: các tín hữu nhóm họp tại nhà ông, ông hay khích lệ anh em trong Chúa và sự rộng rãi với các tín hữu trong hội thánh.
- Phao-lô yêu cầu cách nhã nhặn xin Phi-lê-môn hãy nhận lại Ô-nê-sim. Lúc trước Ô-nê-sim đã phạm lỗi nhưng giờ đây anh ta ích lợi cho cả Phao-lô và Phi-lê-môn bởi Chúa đã thay đổi tính cách của anh ta. Vì vậy hãy nhận Ô-nê-sim lại như là một anh em yêu dấu.
- Phao-lô xác nhận lời yêu cầu của mình bằng lời hứa và lời đảm bảo rằng ông sẽ trả lại tất cả những khoản nợ của Ô-nê-sim.
V. THƯ PHAO-LÔ GỞI CHO TÊ-SA-LÔ-NI-CA
1. Hội thánh Tê-sa-lô-ni-ca.
- Tê-sa-lô-ni-ca là một trung tâm đường thủy quan trọng vì nằm trên con đường La-mã xuyên qua Ma-xê-đoan. Là thủ đô của Ma-xê-đoan và là một thành phố tự do về chính trị.
- Đây là thành phố đầu tiên Phao-lô ghé thăm trong chuyến hành trình truyền giáo thứ hai. Thành phố đã có nhà hội của người Do-thái và Phao-lô đến nhà hội để công bố về sự phục sinh và địa vị Đấng Mê-si-a của Chúa Giê-xu. Chỉ một số người đáp ứng sứ điệp của Phao-lô còn những người vô tín chống đối lại và làm cho thành phố trở nên rối loạn, họ đã tố cáo Phao-lô tôn Chúa Giê-xu lên làm vua chống nghịch lại Sê-sa. Dưới sự giúp đỡ của các tín hữu, Phao-lô và Si-la phải bỏ chạy sang Bê-rê.
- Phao-lô bày tỏ lòng mong muốn viếng thăm lại thành này khi ông ở tù tại Rô-ma.
2. Niên Đại, Cơ Hội và Mục Đích của Thư Tín Tê-sa-lô-ni-ca.
- Phao-lô đã rời thành Tê-sa-lô-ni-ca để đến A-thên, sau đó Phao-lô gửi Ti-mô-thê trở lại lo mục vụ tại đó. Khi Phao-lô ở Cô-rinh-tô thì Ti-mô-thê trở về với Phao-lô và ông đã viết hai bức thư cho Tê-sa-lô-ni-ca tại Cô-rinh-tô vào khoảng năm 51 SC.
- Phao-lô muốn khích lệ các tín hữu đang bị bắt bớ và cũng bảo vệ chính mình trước những lời chỉ trích. Ngoài ra ông muốn trả lời câu hỏi về những người thân qua đời trước khi Đấng Christ trở lại, qua đó ông kêu gọi hội thánh tăng trưởng về đức thánh khiết và lòng yêu thương.
- Sau khi viết thơ thứ nhất, hội thánh vẫn có những thái độ và hành động con trẻ. Sự bắt bớ khiến họ cho rằng Đấng Christ phải trở lại ngay tức khắc.
- Để giúp họ hiểu rõ hơn ý muốn của Đức Chúa Trời Phao-lô viết thư thứ hai khích lệ họ rằng sự khổ nạn họ đang chịu là để chuẩn bị cho đời sống mới trong vương quốc Đức Chúa Trời. Cuối cùng ông thúc giục họ hãy làm việc như là cách phục vụ Đức Chúa Trời.
3. Tổng Quan và Nội Dung của Thư Tín Tê-sa-lô-ni-ca.
Chủ đề của I Tê-sa-lô-ni-ca: Lời khích lệ cho Cơ-đốc nhân Câu gốc: 1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:14. “Vì nếu chúng ta tin Ðức Chúa Jêsus đã chết và sống lại, thì cũng vậy, Ðức Chúa Trời sẽ đem những kẻ ngủ trong Ðức Chúa Jêsus cùng đến với Ngài.”
I. Chúng ta được khích lệ bởi những điều đáng nhớ trong quá khứ (1-3)
II. Chúng ta được khích lệ bởi niềm hy vọng trong tương lai (4-5).
- Mô tả quyền năng của Phúc-âm tại Tê-sa-lô-ni-ca và chức vụ hữu ích mà Đức Chúa Trời đã giao phó cho Phao-lô.
- Phao-lô bày tỏ lòng khát khao muốn gặp những Cơ-đốc nhân non trẻ này dường bao và ông cũng được khích lệ bởi sự chịu đựng của họ trong Đấng Christ.
- Sửa lại những hiểu biết sai trật về việc Đấng Christ trở lại. Những người chết sẽ sống lại để gặp Chúa nơi không trung và sẽ ở với Ngài đời đời. Còn các tín hữu đang sống sẽ được cất lên sau khi những người chết đã được biến hóa. Ngày trở lại không biết trước của Chúa khiến chúng ta sống như những con cái sáng láng bày tỏ sự cam kết thuộc linh với Chúa Giê-xu.
- Phao-lô cũng hướng dẫn cho sự phục vụ lẫn nhau, phải tôn trọng những người lãnh đạo và giữ sự hòa hợp trong mối thông công cũng như duy trì sự cởi mở đối với công việc của Thánh Linh.
- Chủ đề của II Tê-sa-lô-ni-ca: Con Dân Chúa Chịu Sửa Sai - Câu gốc: II Tê-sa-lô-ni-ca 3:5. “Nguyền xin Chúa soi dẫn lòng anh em tới đến sự yêu mến Ðức Chúa Trời, và sự nhịn nhục của Ðấng Christ!”
I. Sửa sai về sự bắt bớ (1:1-12).
II. Sửa sai về lời tiên tri (2:1-17).
III. Sửa sai về sự nhẫn nhục (3:1-18).
- Với tính nghiêm trọng của những hoạn nạn mà họ đối diện và sự chịu đựng cách kiên định của họ thể hiện họ xứng đáng thừa hưởng vương quốc thánh. Ngày Đấng Christ trở lại sẽ mang tai họa cho kẻ bắt bớ và phần thưởng cho những người thuộc về Ngài.
- Sự hiểu sai về việc Chúa trở lại: một số người nói Chúa đã trở lại rồi nên ông nhắc họ rằng sẽ có một số sự kiện xảy ra trước ngày Chúa đến. Con cái Chúa đừng lo lắng về sự phán xét trong tương lai nhưng cứ đứng vững vàng.
- Phao-lô khích lệ hội thánh cứ kiên trì cầu nguyện và làm việc siêng năng mỗi ngày. Nhớ cầu nguyện cho ông và tránh sự chia rẽ trong hội thánh.
IV. DẪN NHẬP CÁC THƯ MỤC VỤ VÀ THƯ I TI-MÔ-THÊ.
1. Dẫn nhập các thư tín Mục Vụ:
- Phao-lô cử Ti-mô-thê thay mặt ông đến giải quyết những vấn đề tại Ê-phê-sô. Phao-lô cảnh báo lối sống của những giáo sư giả nên ông viết thư cho Ti-mô-thê khuyên vị mục sư trẻ phải bỏ qua sự ngại ngùng và cư xử cách cương quyết với những lời dạy sai trật tại đó.
- Phao-lô cũng viết thư cho Tít và kêu gọi ông phải chiến cự với những tà thuyết về giáo lý và đạo đức giữa vòng Cơ-đốc nhân tại đảo Cơ-rết.
2. Niên Đại, Địa Điểm và Mục Đích.
- Các học giả cho rằng sau khi Phao-lô được ra tù lần thứ nhất tại La-mã ông đã viết thư cho Ti-mô-thê và Tít khi ông đang thực hiện công tác truyền giáo vào khoảng năm 63-65 SC.
- Phao-lô viết thư I Ti-mô-thê tại Ma-xê-đoan và thư cho Tít tại Ni-cô-bô-li thuộc Hy-lạp.
- Sau đó, Phao-lô bị bắt lần thứ hai rồi tuận đạo. Ông đã viết II Ti-mô-thê trong tình trạng dường như sắp chết. Đó là khoảng thời gian giữa hay cuối thập niên 60.
- Mục đích chính của Phao-lô khi viết các Thư Tín Mục Vụ là thúc giục Ti-mô-thê và Tít giải quyết triệt để những vấn nạn về tà thuyết và lối sống vô đạo đức trong hội thánh. Trong II Ti-mô-thê, Phao-lô thuyết phục Ti-mô-thê vượt qua tính nhút nhát và mạnh mẽ công bố Phúc-âm ngay cả nếu điều đó khiến Ti-mô-thê phải chịu khổ và đau đớn. Ông cũng hướng dẫn Ti-mô-thê cách đến với ông sớm hơn.
- Phao-lô hướng dẫn Tít cách giải quyết tình trạng náo loạn trong hội thánh Cơ-rết (Tít 1:10-13). Ông nhắc nhở cách cụ thể về trách nhiệm và cách cư xử của từng nhóm người trong hội thánh. Cuối cùng Phao-lô gọi Tít đến gặp ông tại Ni-cô-pô-li ở bờ biển tây của Hy-lạp.
3. Tổng Quan và Nội Dung của I Ti-mô-thê:
- Chủ đề: Tiêu Chuẩn của Đức Chúa Trời về Phẩm Hạnh của Hội Thánh
- Câu gốc: I Ti-mô-thê 4:12. “Chớ để người ta khinh con vì trẻ tuổi; nhưng phải lấy lời nói, nết làm, sự yêu thương, đức tin và sự tinh sạch mà làm gương cho các tín đồ.”
I. Tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời về Giáo Lý và Thờ Phượng (1:1-2:15).
II. Tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời về sự Phục Vụ và Nếp Sống (3:1-4:16).
III. Tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời về Mục Vụ trong Hội Thánh (5:1-6:21).
- Phao-lô cảnh báo Ti-mô-thê về tà thuyết ông đang đối diện tại Ê-phê-sô và giải thích nhiệm vụ của ông là phải chống lại điều đó. Các tín hữu Ê-phê-sô hãy tránh lẽ đạo giả dối và sản sinh tình yêu chân thật từ tấm lòng trong sạch.
- Trước hết, Ti-mô-thê kêu gọi hết thảy người Ê-phê-sô phải cầu nguyện và có đời sống thánh khiết. Thứ hai, vì lãnh đạo hội thánh góp phần gây ra vấn đề nên Phao-lô đưa ra những tiêu chuẩn cho người lãnh đạo.
- Hội thánh Ê-phê-sô có tất cả mọi lứa tuổi và mọi giới nên cũng có lời điều hướng cho: mục vụ đối với các quả phụ, nhận biết và chỉ định các trưởng lão bước vô vị trí lãnh đạo, người giàu phải biết dùng của cải để làm những việc lành.
- Cuối cùng Phao-lô căn dặn Ti-mô-thê hãy giữ lấy trọng trách đã giao cho ông và tránh những lời nói hư không mà các giáo sư giả gọi là “tri thức”.
V. II TI-MÔ-THÊ VÀ TÍT
1. Tổng quan và Nội Dung của II Ti-mô-thê
- Chủ đề của II Ti-mô-thê: Phục Vụ như Người Chăn Bầy của Đức Chúa Trời
- Câu gốc: II Ti-mô-thê 2:15. “Hãy chuyên tâm cho được đẹp lòng Ðức Chúa Trời như người làm công không chỗ trách được, lấy lòng ngay thẳng giảng dạy lời của lẽ thật.”
I. Người Chăn Bầy Phải Mạnh Mẽ (1:1-2:26)
II. Người Chăn Bầy Phải Đứng Vững Vàng (3:1-4:22).
- Những trở ngại mà Phao-lô sẽ đối diện khi nỗ lực đối phó với tà giáo tại Ê-phê-sô, ông cũng thách thức Ti-mô-thê hãy “nhen lại ơn Đức Chúa Trời” đã ban cho:
. Những phẩm chất cần có để đối phó với trở ngại trong chức vụ: sự can đảm, sẵn sàng chịu khổ, trung tín trong chức vụ.
. Nếp sống cần có trong chức vụ: một người thầy trung tín, người lính chuyên tâm, người lực sĩ có kỷ luật và người nông dân nhẫn nại (2:1-7).
. Nhấn mạnh nội dung Phúc-âm và gương chịu khổ của chính ông. Phần thưởng cho những người hầu việc Chúa cách bền bĩ .
- Để có đủ sức đối diện với những khó khăn trong tương lai, phải tìm kiếm sức mạnh từ sự vâng phục Thánh Kinh và liên tục ứng dụng Kinh Thánh đối với kẻ chống đối.
- Cuối cùng ông muốn Ti-mô-thê sẽ đến với ông trước mùa đông. Cũng gửi lời chào thăm một số bạn hữu nữa.
2. Tổng Quan và Nội Dung của Thư Tít:
- Chủ đề: Sửa Sai Những Nan Đề trong Hội Thánh Câu gốc: Tít 1:5. “Ta đã để con ở lại Cơ-rết, đặng sắp đặt mọi việc chưa thu xếp, và theo như ta đã răn bảo cho con mà lập những trưởng lão trong mỗi thành.”
I. Sửa Sai bằng Giáo Lý Đúng Đắn (1:1-16).
II. Sửa Sai bằng Nếp Sống Tin Kính (2:1-3:15).
- Phao-lô để Tít lại Cơ-rết với nhiệm vụ sửa lại những điều lộn xộn trong hội thánh. Những đức tính mà người lãnh đạo cần có: vâng phục và cam kết. Cũng phải có nếp sống gương mẫu tại nhà và kiên nhẫn giảng dạy lẽ thật cho những ai chống đối Phúc-âm.
- Những kẻ phá rối trong hội thánh là những kẻ bất lương, độc ác và ương hèn vì thế Tít phải khiển trách những kẻ đó và nhắc nhở các tín hữu phải khước từ sự giảng dạy hư không của họ.
- Nếp sống tin kính là phương thuốc giải độc cho những nan đề trong hội thánh. Ân điển của Đức Chúa Trời và sự trở lại của Đấng Christ là động cơ để Cơ-đốc nhân sống tin kính.
- Việc lành sẽ khiến cho thế gian tin vào năng quyền của Cơ-đốc giáo. Họ phải vâng theo bậc cầm quyền, tránh cãi lẫy và bày tỏ sự mềm mại và tự chủ trước người khác. Ông cũng trông đợi gặp Tít tại Ni-cô-bô-li.
ÔN TẬP:
Để ôn lại phần này hãy trả lời những câu hỏi sau. Có thể ghi câu trả lời ở một quyển tập khác.
1. Tại sao Phao-lô viết thư Ga-la-ti? Giáo lý trọng tâm của thư này là gì?
2. Tại sao chúng ta gọi là “những thư tín trong tù của Phao-lô”?
3. Chủ đề và điểm nhấn mạnh chủ yếu trong thư Ê-phê-sô là gì?
4. Chủ đề của thư Phi-líp là gì?
5. Người Cô-lô-se nhấn mạnh gì về Đấng Christ?
6. Phao-lô bàn đến vấn đề gì trong thư Phi-lê-môn?
7. Phao-lô nhớ đến điều gì ở các Cơ-đốc nhân người Tê-sa-lô-ni-ca?
8. Quan điểm của Phao-lô về Ngày của Chúa trong II Tê-sa-lô-ni-ca là gì?
9. Tại sao các Thư Tín Mục Vụ được viết ra?
10. Chủ đề của các thư I Ti-mô-thê, II Ti-mô-thê và Tít là gì?
bottom of page